ALMA RESORT - HỌC HỎI GÌ TỪ THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM SAU 03 NĂM ĐẦU TƯ
Hình thức sở hữu kỳ nghỉ hay chia sẻ kỳ nghỉ (timeshare) còn mới mẻ ở Việt Nam, còn nhiều bàn cãi về tính pháp lý lẫn cách thức khai thác thị trường. Tuy nhiên các đơn vị tham gia vẫn kỳ vọng sẽ "học" được nhiều điều từ nhu cầu thị trường để khai thác thành công.
“Nhờ có vận hành theo hình thức timeshare, với khách hàng nội địa đã mua gói kỳ nghỉ từ trước, chúng tôi không bị phụ thuộc vào nguồn khách lẻ từ nước ngoài như nhiều khách sạn, resort khác tại Cam Ranh,” Herbert Laubichler-Pichler, tổng quản lý (GM-general manager) Alma Resort nói khi đang ngồi tại quầy Food Court của Alma vào một buổi trưa cuối tuần giữa tháng 6.
Vừa mở cửa trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội, công suất phòng đã đạt 60%, trong khi nhiều nơi khác còn chưa thể mở cửa trở lại hoặc chưa có khách. Hầu hết họ là các gia đình Việt Nam đang tận hưởng kỳ nghỉ kéo dài một tuần tại đây sau khi mua gói kỳ nghỉ timeshare từ nhiều năm trước ở khu nghỉ dưỡng có sức chứa hơn 3.500 khách này.
Một góc khu nghỉ dưỡng Alma Resort. Ảnh: Bích Trâm
Alma Resort rộng 30ha với gần 600 phòng nghỉ dạng căn hộ và biệt thự, nằm ở Bắc bán đảo Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa. Khu du lịch vừa chính thức khai trương cuối tháng 12.2019, bắt đầu với mô hình dịch vụ nghỉ dưỡng theo hình thức timeshare lẫn FIT (khách du lịch tự do, khách lẻ).
Hình thức timeshare , còn được gọi là “sở hữu kỳ nghỉ” hoặc “chia sẻ kỳ nghỉ”, xuất hiện trên thế giới từ những năm 1960. Theo đó các tài sản bất động sản, chủ yếu là các căn phòng khách sạn hạng sang, căn hộ cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng… được chia quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cho nhiều bên theo hình thức phân bổ thời gian.
Chủ sở hữu cũng có thể mua bán, cho thuê lại hoặc trao đổi kỳ nghỉ trên các nền tảng hệ thống trao đổi kỳ nghỉ để đi nghỉ ở các nơi khác có cung cấp dịch vụ tương tự.
Trong xu hướng các nhà phát triển khách sạn, khu nghỉ dưỡng muốn cung cấp thêm nhiều lựa chọn sở hữu linh hoạt cho du khách, ngành công nghiệp timeshare năm 2019 tại Mỹ đạt doanh thu 10,2 tỉ USD và trải qua 9 năm liền tăng trưởng liên tiếp, theo thống kê của tổ chức Phát triển khu nghỉ dưỡng Mỹ (ARDA).
Công ty chuyên vận hành hệ thống trao đổi kỳ nghỉ Sell My Timeshare Now ước tính trên thế giới có hơn 5.000 khu nghỉ dưỡng và hơn 200 các đơn vị cung cấp và phát triển dịch vụ chia sẻ kỳ nghỉ.
Tại Việt Nam, timeshare còn khá mới mẻ, khung pháp lý cho hoạt động này cũng chưa được hoàn thiện, cách thức khai thác thị trường cũng còn nhiều bàn cãi. Do đó các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được ký kết chủ yếu dựa trên tham chiếu các nội dung phổ biến về loại hình này trên thế giới và thỏa thuận của các bên.
Herbert Laubichler-Pichler, tổng quản lý Alma Resort tại một quầy bar của Alma. Ảnh: Bích Trâm
Dù vậy Alma vẫn đặt kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường còn non trẻ này. Herbert chia sẻ với Forbes Việt Nam, trong sáu tháng qua, Alma Resort đã "học được nhiều" từ khách du lịch timeshare Việt Nam, từ nhu cầu đến sở thích của họ về các loại hình giải trí, phong cách ẩm thực…
“Tất cả các nhà quản lý đều đã hiểu rõ thị trường khách FIT, nhưng với khách timeshare, chúng tôi không chỉ “educate” thị trường mà còn phải học từ thị trường,” Herbert nói.
Vừa trải qua kỳ nghỉ tại Alma vào đầu tháng 6, bà Đinh Thị Hồng Vân ở quận 5, TP.HCM, cho biết mua gói kỳ nghỉ tại Alma từ năm 2017 với mức giá gần 390 triệu đồng và phí bảo trì 4,9 triệu đồng/năm. Bà không xa lạ với mô hình chia sẻ kỳ nghỉ vì đã được biết đến ở các thị trường nước ngoài và quyết định mua tại Alma một phần để tạo điều kiện cho con gái và con rể người Pháp cùng đi du lịch hằng năm.
Một trong những yếu tố khiến nhiều người còn e dè với hình thức sở hữu kỳ nghỉ này nằm ở khâu trao đổi kỳ nghỉ. Bởi khi muốn chuyển đổi kỳ nghỉ đến một nơi khác, họ không biết trước về số ngày nghỉ sẽ thay đổi so với số ngày đã mua như thế nào. Alma cũng thừa nhận, khi khách hàng trao đổi kỳ nghỉ để đến một đất nước khác, số ngày nghỉ có thể được cộng thêm hoặc bớt đi tùy "tính mùa vụ" du lịch ở nước sở tại.
Herbert cho biết tình hình dịch bệnh còn phức tạp, chưa thể khẳng định về các chiến lược dài hạn, hiện tại thị trường khách timeshare và FIT nội địa là những ưu tiên hàng đầu. “Trước tiên là để tìm hiểu về thị trường timeshare, Alma tập trung vào phân khúc này và sẽ tăng dần ở phân khúc khách FIT. Không chỉ thu hút khách FIT nội địa, chúng tôi sẽ hướng đến khách FIT châu Á khi các nước của họ mở cửa trở lại, tiếp theo là các thị trường Mỹ, châu Âu và Úc,” theo Herbert.
Tuy nhiên đến khi nguồn khách được đa dạng hóa, Alma sẽ phải tiếp tục giải bài toán về sự khác biệt văn hóa giữa các gia đình châu Á và châu Âu. Một trong những khác biệt đó theo Herbert là “các gia đình châu Á thường năng động và nhiều năng lượng, còn các gia đình châu Âu có nhu cầu cao về không gian riêng tư”.
Chưa quá lạc quan về cơ hội thị trường du lịch - nhà hàng - khách sạn tại Việt Nam trong dài hạn, GM Alma vẫn kỳ vọng dùng phong cách hiện đại đặc trưng của khu nghỉ dưỡng để dần thay đổi suy nghĩ của du khách nước ngoài về hình ảnh đất nước Việt Nam.
“Tôi nhận ra rõ điều này trong vài tuần gần đây. Khi nghĩ về Việt Nam, điều đầu tiên thường hiện lên trong đầu hầu hết người nước ngoài là các hình ảnh quen thuộc như nón lá, áo dài, cánh đồng lúa… Nhưng một số bạn bè quốc tế khi đến đây đã nói rằng nơi này khiến họ thấy một Việt Nam thật mới mẻ, giàu có, to lớn và phát triển, giúp họ có thêm nhiều cảm nhận tích cực về đất nước này,” Herbert chia sẻ.
THeo Fobes Việt Nam