CUỘC DI CƯ CỦA CÁC HÃNG CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC TỚI ĐÔNG NAM Á

Sau ByteDance, Tencent là cái tên mới nhất quyết định đặt văn phòng tại Singapore, biến Đông Nam Á thành mảnh đất màu mỡ mới mà giới công nghệ Trung Quốc đang quan tâm.

Tencent và bước đi chiến lược tại Đông Nam Á

Trong thông báo mới nhất của mình, Tencent - ông lớn trò chơi điện tử và mạng xã hội lớn nhất của Trung Quốc cho biết sẽ thiết lập văn phòng Singapore là trụ sở của mình tại Đông Nam Á , quản lý các văn phòng hiện có tại Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Đây được xem là bước đi phù hợp khi đã từ lâu Đông Nam Á là một thị trường hàng đầu của Tencent. Nhiều cái tên ăn khách trong mảng trò chơi điện tử của hãng, như Arena of Valor ( Liên Quân ) đang tăng trưởng bùng nổ tại đây. Chi nhánh điện toán đám mây Tencent Cloud, cũng đang bắt đầu xâm nhập thị trường khu vực, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu làm việc từ xa của các doanh nghiệp.

 Cuộc “di cư” của các hãng công nghệ Trung Quốc tới Đông Nam Á  - Ảnh 1.

Các trò chơi điện tử của Tencent như Arena of Valor đang tăng trưởng bùng nổ tại Đông Nam Á (Nguồn: Tencent)

"Văn phòng tại Singapore sẽ cho phép chúng tôi nắm bắt những tiềm năng từ quá trình số hóa nhanh chóng tại đây, và đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ internet tại Singapore", Tencent cho biết trong tuyên bố của mình.

Tuy nhiên, tham vọng của hãng công nghệ Trung Quốc được cho là sẽ không chỉ dừng lại ở Đông Nam Á. Theo Bloomberg, Tencent dự kiến sẽ lấy văn phòng Singapore làm đầu tàu cho toàn thị trường châu Á. Thậm chí nguồn tin của Bloomberg còn cho biết, hãng đang cân nhắc chuyển một số bộ phận hoạt động từ trụ sở chính tại Trung Quốc sang Singapore, trong đó có mảng phát hành trò chơi quốc tế.

 Cuộc “di cư” của các hãng công nghệ Trung Quốc tới Đông Nam Á  - Ảnh 2.

WeChat đang gặp rắc rối pháp lý tại nhiều thị trường quốc tế như Mỹ và Ấn Độ (Nguồn: Reuters)

Bước chuyển hướng chiến lược này, dường như xuất phát từ những rắc rối mà công ty đang phải đối mặt tại một loạt thị trường lớn. Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cấm các giao dịch với ứng dụng WeChat , có hiệu lực từ ngày 20/9 này. Ấn Độ cũng đã đóng cửa với WeChat, trò chơi PUBG Mobile và một loạt ứng dụng khác của Tencent, trong số hơn 100 ứng dụng Trung Quốc bị nước này đưa vào danh sách đen.

Giới chuyên gia tin rằng, các cú sốc này có thể thúc đẩy Tencent mong muốn thiết lập các đơn vị quốc tế gần với sân nhà hơn trong tương lai.

Đông Nam Á - Điểm đến yêu thích mới của các doanh nghiệp Trung Quốc

Tencent không phải là cái tên đầu tiên từ Trung Quốc quyết định mở rộng tại Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Chỉ ít ngày trước đó, cái tên đình đám thời gian gần đây là ByteDance cũng công bố kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào văn phòng Singapore, đăng tin tuyển dụng khoảng 200 nhân sự trong các lĩnh vực như thanh toán, thương mại điện tử và cả bảo mật dữ liệu.

 Cuộc “di cư” của các hãng công nghệ Trung Quốc tới Đông Nam Á  - Ảnh 3.

Trước Tencent, ByteDance cũng công bố đầu tư hàng tỷ USD tại Singapore (Nguồn: CNBC)

ByteDance hiện còn dẫn đầu một liên doanh đang xin cấp phép mở ngân hàng số với Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS). Trong số các đối thủ cũng có sự hiện diện của Ant Group - anh em với Alibaba trong mảng thanh toán điện tử, và SEA - startup về internet được Tencent hậu thuẫn.

Vey-Sern Ling, chuyên gia phân tích của Bloomberg nhìn nhận: "Singapore đang là điểm đến hấp dẫn với các công ty công nghệ muốn đặt trụ sở để tiến vào thị trường Đông Nam Á, nhờ vị trí địa lý gần gũi, lực lượng lao động trình độ cao, đa ngôn ngữ, có hiểu biết về công nghệ".

Một trong những thương vụ đáng chú ý nhất trong năm nay từ giới công nghệ Trung Quốc là việc Alibaba thâu tóm một tòa cao ốc trị giá tới 1,2 tỷ USD, nằm ngay khu trung tâm tài chính của quốc đảo sư tử. Trong dài hạn, đây cũng sẽ là trụ sở quốc tế bên ngoài Trung Quốc của ông lớn thương mại điện tử này.

Từ vài năm qua, Alibaba cũng đang nỗ lực mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á, thông qua vụ thâu tóm start-up thương mại điện tử Lazada, và hiện đang đàm phán đầu tư 3 tỷ USD vào ứng dụng đa nền tảng hàng đầu khu vực là Grab. Huawei và công ty dịch vụ AI SenseTime cũng là những cái tên đang có mặt tại Singapore với mục tiêu "tiến công" thị trường Đông Nam Á.

 Cuộc “di cư” của các hãng công nghệ Trung Quốc tới Đông Nam Á  - Ảnh 4.

Grab hiện đang nằm trong tầm ngắm đầu tư từ Alibaba (Nguồn: Strait Times)

Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ ngày càng gia tăng, các chuyên gia cho rằng, mở rộng ở Đông Nam Á không chỉ giải quyết bài toán dịch chuyển về gần sân nhà mà còn giúp giới công nghệ Trung Quốc tăng sức cạnh tranh với các đối thủ Mỹ ở một thị trường tiềm năng hàng đầu hiện nay.

Chuyên gia nghiên cứu Regina Lim từ hãng bất động sản JLL đánh giá: "Họ tự tin rằng, thị trường này giống như Trung Quốc cách đây 15 năm khi Internet và thương mại điện tử bắt đầu bùng nổ và thành công tương tự cũng có thể lặp lại tại Indonesia hay Thái Lan".

Lẽ dĩ nhiên đây không phải chặng đường dễ dàng. Facebook hay Google cũng đã mở văn phòng tại Singapore và có sự hiện diện vững chắc từ lâu trong khu vực. Nhưng theo JLL, Singapore hiện đã ngang bằng với Thung lũng Silicon về số công ty Trung Quốc mở văn phòng quốc tế - báo hiệu cuộc cạnh tranh ở Đông Nam Á sẽ sớm nóng lên trong thời gian tới.


Theo Việt Linh / VTV.vn