NGHÀNH GỖ VIỆT NAM ĐỘT PHÁ SAU CPTPP
Khác với các hiệp định FTA khác thường mang lại lợi thế chủ yếu cho xuất khẩu thì CPTPP mang lại cơ hội “kép” cho ngành gỗ Việt Nam với cả hai lợi thế thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cũng như gia tăng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ những nguồn cung gỗ trong khối với thuế quan ưu đãi.
Cơ hội tăng trưởng “kép”
Về xuất khẩu, Việt Nam hiện trong Top 5 nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu thế giới. Với các nước CPTPP, Việt Nam hiện đang xuất siêu gỗ và các sản phẩm gỗ với tỷ trọng khoảng hơn 20% tổng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ra thế giới. Trong nhóm CPTPP, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Canada, Australia và Malaysia.
Các cam kết cắt giảm thuế quan mạnh của các đối tác CPTPP đối với gỗ và sản phẩm gỗ giúp nhóm hàng hóa này có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường này. Đặc biệt trong bối cảnh một số nước CPTPP (như Nhật Bản, Canada) nằm trong tốp thị trường xuất khẩu lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam; đồng thời có mức cam kết xóa bỏ thuế quan mạnh cho gỗ và các sản phẩm gỗ trong CPTPP so với các FTA đã có trước đây (ví dụ Nhật Bản) hoặc so với thuế MFN đang duy trì (Canada). Mặt khác, gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam mới chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng hóa này của các nước CPTPP.
Theo cam kết CPTPP, mỗi nước thành viên có mức độ và lộ trình cắt giảm thuế quan nhập khẩu khác nhau đối với gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam.
Đơn cử với Canada, trước CPTPP, Việt Nam và Canada chưa có FTA chung nào; gỗ và các sản phẩm gỗ Việt Nam thuộc diện áp dụng thuế MFN mà Canada áp dụng chung cho tất cả thành viên WTO chưa có FTA với nước này. Với CPTPP, Canada cam kết xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với tất cả dòng gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam, mang đến lợi thế về thuế quan cho nhóm hàng này của Việt Nam, đặc biệt ở một số dòng hàng hóa đang có mức thuế MFN cao.
Trong khi đó, New Zealand cam kết xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với 166/186 dòng thuế gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam; với 20 dòng thuế còn lại, New Zealand sẽ cắt giảm thuế theo lộ trình 5 -7 năm. Mặc dù mức cắt giảm và lộ trình này không tạo thêm lợi thế về thuế quan nào mới tại thị trường New Zealand so với Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Australia, New Zealand (AANZFTA) mà Việt Nam và New Zealand đã tham gia trước đó nhưng tạo thêm một lựa chọn về thuế quan ưu đãi cho doanh nghiệp.
Nhật Bản thì xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với đa số dòng thuế gỗ và các sản phẩm gỗ (197/241 dòng thuế), bao gồm toàn bộ dòng thuế về nội thất bằng gỗ thuộc Chương 94, cùng một số dòng thuế Chương 44; Cắt giảm và xóa bỏ thuế theo lộ trình 9 - 16 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực với một số dòng thuế...
Mặc dù có mức ưu đãi và lộ trình cắt giảm thuế quan khác nhau ở từng thị trường thành viên nhưng nhìn chung với CPTPP, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động từ 6% - 9,5% trước đây sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 7% về 0% ngay lập tức...
Bên cạnh lợi thế từ FTA, sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất đồ gỗ thế giới cũng làm tăng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua do hàng Việt Nam có lợi hơn về thuế nhập khẩu tại thị trường các nước CPTPP so với các đối thủ ngoài khối. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá có năng lực sản xuất và chế biến gỗ tương đối cao với mạng lưới nhiều doanh nghiệp, làng nghề và có lực lượng lao động đông đảo với chi phí lao động thấp.
Cùng với xuất khẩu, ngành gỗ còn được hưởng lợi từ CPTPP đối với nhập khẩu gỗ nguyên liệu, trang thiết bị ngành gỗ. Với việc Việt Nam cam kết xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực toàn bộ các dòng thuế gỗ và các sản phẩm gỗ Chương 44 và 94 từ các nước CPTPP, doanh nghiệp ngành gỗ có cơ hội nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ (đặc biệt là gỗ nguyên liệu) từ các nguồn cung gỗ CPTPP, trong đó nhiều khu vực là nguồn cung gỗ hợp pháp. Đây là lợi thế rất đáng kể trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai thực thi cơ chế quản lý chuỗi cung gỗ hợp pháp đối với toàn bộ gỗ và các sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Ngoài ra, trong CPTPP Việt Nam cũng có các cam kết loại bỏ thuế quan đối với phần lớn các máy móc thiết bị, trong đó có máy móc thiết bị ngành gỗ. Đây là cơ hội để ngành gỗ nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại với giá hợp lý từ các nguồn CPTPP. Các thị trường CPTPP mà Việt Nam nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ nhiều nhất lần lượt là Chile, Malaysia, New Zealand và Canada.
Tác động tích cực từ “đòn bẩy” CPTPP
Với “đòn bẩy” CPTPP, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang khối thị trường này năm 2021 tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực với 4/10 đối tác CPTPP duy trì vị trí trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất, bao gồm: Nhật Bản, Canada, Australia và Malaysia.
Trong đó, Nhật Bản là thị trường lớn thứ 3 của ngành, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,39 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2020, chiếm 9,8% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Nhật Bản bao gồm: Dăm gỗ đạt 500,15 triệu USD, tăng 24% so với năm 2020; Viên nén đạt 200,11 triệu USD, tăng 27%; Gỗ dán đạt 80,01 triệu USD, tăng 74%; Nội thất bằng gỗ khác (HS 9403.60) đạt 94,86 triệu USD, giảm 12%; Nội thất phòng ngủ (HS 9403.50) đạt 86,11 triệu USD, giảm 24%; Nội thất văn phòng (HS 9403.30) đạt 70,18 triệu USD, giảm 17%; Nội thất phòng bếp (HS 9403.40) đạt 66,03 triệu USD, tăng 2%.
Cũng nằm trong Top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành, sự tăng trưởng của thị trường Canada thể hiện rõ ảnh hưởng tích cực từ Hiệp định CPTTP. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này năm 2021 đạt 226,38 triệu USD, tăng 5% so với năm 2020, chiếm gần 2% tổng giá trị xuất khẩu của ngành. Nhóm sản phẩm chính xuất khẩu sang Canada gồm: Nội thất bằng gỗ khác đạt 74,28 triệu USD; Ghế ngồi đạt 58,3 triệu USD; Nội thất phòng ngủ đạt 34,79 triệu USD; Bộ phận đồ gỗ đạt 26,6 triệu USD; và Ván ghép/đồ mộc xây dựng đạt 10,96 triệu USD.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada, các thị trường cung cấp chính đồ nội thất bằng gỗ cho nước này hiện nay là Trung Quốc, Việt Nam, EU và Hoa Kỳ, chiếm hơn 80% thị phần.
Năm 2022, tính đến hết 10 tháng, Nhật Bản là một trong hai thị trường xuất khẩu có tốc độ mở rộng kim ngạch mạnh nhất của ngành, qua đó vươn lên vị trí thị trường lớn thứ hai, sau Hoa Kỳ với kim ngạch 10 tháng đạt 1,55 tỷ USD, tăng 39,8% so với 10 tháng năm 2021. Các mặt hàng quan trọng xuất khẩu sang Nhật Bản là viên nén, dăm gỗ và đồ gỗ.
Bên cạnh Nhật Bản, khối CPTPP tiếp tục ghi nhận hai thị trường xuất khẩu hàng đầu khác là Australia và Canada.
Về nhập khẩu, mặc dù không phải là những thị trường cung cấp chính cho ngành gỗ nhưng với lợi thế từ CPTPP, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ một số nước thành viên có sự tăng trưởng mạnh. Cụ thể, năm 2021 nhập khẩu từ Chile tăng 37,9%; từ Malaysia tăng 22,7%; từ New Zealand tăng 4% so với năm 2020.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Malaysia là nước CPTPP góp mặt trong top nguồn cung gỗ và sản phẩm gỗ cho Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu 102,88 triệu USD, tăng mạnh 78,35% so cùng kỳ năm 2021.
Cần đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, Hiệp định CPTPP mang đến nhiều cam kết thuế quan có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Về cơ hội phát triển, thách thức cạnh tranh có thể không quá lớn do các doanh nghiệp gỗ Việt Nam phần lớn cung ứng sản phẩm gỗ cho phân khúc trung bình hoặc phân khúc sản phẩm gỗ cao cấp có tính đặc thù như gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất kiểu dáng truyền thống…. Phân khúc sản phẩm gỗ cao cấp hiện đang là cuộc cạnh tranh giữa các nguồn nhập khẩu khác như Đài Loan, Malaysia... là chủ yếu. Do đó, việc mở cửa cho các sản phẩm gỗ trong CPTPP, mà phần lớn là phân khúc cao cấp, được dự báo chủ yếu sẽ làm thay đổi thị phần giữa các nguồn cung gỗ cao cấp nhập khẩu, rất ít cạnh tranh trực diện với các nhà sản xuất gỗ Việt Nam.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan và những lợi thế khác từ CPTPP, thách thức chủ yếu với ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam trong thời gian tới vẫn ở các bất cập nội tại và những yếu tố tác động khách quan.
Đầu tiên, gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước CPTPP phải đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ (QTXX) của Hiệp định để được hưởng thuế quan ưu đãi theo CPTPP, khác với thuế MFN không có điều kiện về QTXX.
Đây vẫn được đánh giá là thách thức với các doanh nghiệp gỗ muốn tận dụng ưu đãi thuế quan của CPTPP bởi hiện nay Việt Nam mới chỉ bảo đảm được khoảng hơn 70% nguyên liệu gỗ khai thác trong nước, còn lại là gỗ nhập khẩu từ nhiều nguồn ngoài các nước CPTPP hoặc đến từ những khu vực có rủi ro pháp lý cao. Không ít các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu (đinh, keo, sơn phủ…) vẫn đang được nhập khẩu.
Thách thức tuân thủ cam kết Hiệp định, việc thực hiện nghiêm túc cam kết về gỗ hợp pháp theo Hiệp định VPA/FLEGT có thể khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng trong giai đoạn đầu, làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt ở các thị trường mà hiện chưa thực thi yêu cầu gỗ hợp pháp.
Trong nội tại là thách thức từ các vấn đề năng lực cạnh tranh, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thiếu nguồn lực đã qua đào tạo, nguồn nguyên liệu không đồng nhất khiến cho quy trình xử lý trong sản xuất hạn chế, trình độ quản lý trong sản xuất gỗ còn thấp, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, năng lực thiết kế sản phẩm, thương hiệu… yếu là những vấn đề lớn của ngành chế biến xuất khẩu gỗ.
Để tiếp cận các thị trường CPTPP một cách bền vững và hiệu quả, ngoài việc tiếp cận khách hàng đối tác, doanh nghiệp cần chú ý tìm hiểu các yêu cầu về SPS, TBT… của từng thị trường trong khối và có hành động thích hợp để điều chỉnh quy trình sản xuất, xuất khẩu tuân thủ các yêu cầu này. Nghiên cứu thị trường, đặc biệt là các thị trường ngách, tìm hiểu kỹ thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng; tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh/nhà phân phối sản phẩm gỗ ở từng thị trường thành viên. Nghiên cứu, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm gỗ Việt Nam.
Các doanh nghiệp cần chú trọng tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ sản xuất; đào tạo lao động bài bản, thích nghi với máy móc, công nghệ mới. Ứng dụng khoa học công nghệ cải thiện quy trình sản xuất, quản lý chuỗi sản xuất phù hợp với công nghệ sử dụng, kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu, hạn chế tình trạng lãng phí nguyên liệu; nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm, thương hiệu…
Các cơ quan Nhà nước, hiệp hội ngành hàng cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong ngành về trách nhiệm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với đầy đủ tính pháp lý. Phát triển chương trình liên kết doanh nghiệp đồ gỗ với người dân trồng rừng để tiến hành các thủ tục pháp lý trồng và khai thác gỗ có thể tăng đầu tư cho ngành, phát triển vùng nguyên liệu trong nước, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững… qua đó nâng cao lợi thế cạnh tranh của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
NGUỒN : TAPCHICONTHUONG.VN