QUAN LÂM CHI MỘ - NƠI PHẢI ĐẾN TẠI LẠC DƯƠNG

Quan Lâm Chi Mộ - Hay còn gọi là Ngôi mộ Quan Công nằm ở thị trấn Quan Lâm, thuộc vùng ngoại ô phía Nam thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Đối với người dân Trung Quốc, đây là một thánh địa hết sức thiêng liêng.

Ngôi mộ Quan Công nằm ở thị trấn Quan Lâm, thuộc vùng ngoại ô phía Nam thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam. Đối với người dân Trung Quốc, đây là một thánh địa hết sức thiêng liêng.

Hàng năm, vào mùa thu, người Hoa trong nước và Hoa kiều hải ngoại tụ tập về đây rất đông để dự một lễ hội nhiều ngày có tên là Quan Lâm quốc tế triều thánh đại điển. Một trong bảy cố đô củaTrung Quốc

Trung Quốc có rất nhiều thành phố vốn là kinh đô cổ xưa, nhưng nay người ta phân loại và xếp hạng có bảy kinh đô lớn, gọi là thất đại cổ đô (Trung Quốc dùng từ cổ đô chứ không gọi là cố đô như ở Việt Nam). Đó là Bắc Kinh, Nam Kinh, Tây An, Hàng Châu, Lạc Dương, An Dương, Khai Phong. Riêng trong tỉnh Hà Nam, đã có 3 cổ đô là Lạc Dương, An Dương, Khai Phong.

Thành phố Lạc Dương (nơi có ngôi mộ Quan Công) ra đời cách đây hơn 3.000 năm (11 thế kỷ trước Công nguyên). Trước sau, có tất cả chín triều đại đã kiến đô tại đây: Đông Chu, Ngụy, Tây Tấn, Bắc Ngụy, Đường, Hậu Lương, Hậu Đường… Vì thế, Lạc Dương còn được gọi là Cửu triều cổ đô.

Lạc Dương hiện nay là một thành phố cỡ trung bình, dân số khoảng 1 triệu người, nằm ở tả ngạn con sông Lạc Hà, đổ ra con sông lớn Hoàng Hà nằm ở phía Bắc thành phố. Lạc Dương thu hút du khách vì có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, như hang đá Long Môn (Long Môn Thạch Oa) với 100.000 pho tượng Phật khắc vào vách đá, được UNESCO xếp vào di sản văn hóa thế giới vào năm 2000, chùa Bạch Mã, ngôi chùa Phật xưa nhất của Trung Quốc, mộ Quan Công và thành cổ thời Hán và Ngụy. Ngoài ra, Lạc Dương còn nổi tiếng là xứ sở của hoa mẫu đơn, được chọn là “quốc hoa của Trung Quốc”.

Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, nơi an táng các bậc đế vương được gọi là lăng, còn nơi an táng của tất cả các người khác, từ quan đại thần cho đến dân thường, đều gọi là mộ. Thế nhưng, trong lịch sử Trung Quốc, có hai nhân vật không phải là vua hay hoàng đế nhưng nơi an táng lại được gọi là lăng mộ hay lăng tẩm: đó là Khổng Tử và Quan Công, cả hai đều được tôn xưng là “thánh nhân”, một người là “văn thánh”, một người là “võ thánh”.

Khổng Tử người nước Lỗ thời Xuân Thu là nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại của Trung Quốc cổ đại, học thuyết Nho gia của ông là cơ sở văn hóa của xã hội Trung Quốc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử. Nhân dân Trung Quốc tôn vinh ông là “thánh sư”, là bậc “chí thánh”.

Quan Công, tên là Quan Vũ, tự là Vân Trường, là một viên tướng thời Tam Quốc. Ông không phải là nhà quân sự lỗi lạc, ông là một viên tướng giỏi đánh trận như rất nhiều viên tướng khác trong ba nước Ngụy, Thục, Ngô. Nhưng qua sự miêu tả của La Quán Trung trong bộ tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Công nổi bật như một điển hình về khí tiết của người quân tử với những đức tính nhân, nghĩa, tín, dũng (còn về trí thì còn thua kém nhiều người).

Sau khi chết, Quan Công còn hiển thánh ở núi Ngọc Tuyền và nói chuyện với nhà sư Phổ Tĩnh. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Quan Công là nhân vật được hư cấu nhiều nhất và đã trở thành “thánh nhân”, thậm chí những gì có liên quan đến Quan Công, như thanh long đao, ngựa Xích Thố đều trở thành những nhân vật linh thiêng.

Kiến trúc “tam phối hợp nhất”

oP5l11T6.jpg
Đường dẫn vào đại điện

Khu mộ Quan Công được gọi tắt là Quan Lâm (lấy tên của thị trấn), gồm có ba phần: điện thờ, mộ và khu rừng chung quanh. Đây là quần thể kiến trúc kinh điển thời xưa được gọi là “trủng (mộ), miếu (điện thờ) lâm tam phối hợp nhất”, toàn bộ diện tích không lớn lắm, chỉ độ 70 hecta.

Phần mộ là nơi Tào Tháo cho chôn đầu của Quan Công vẫn ở nguyên vị trí cũ. Các phần kiến trúc khác đều được xây dựng vào đời nhà Minh, dưới thời vua Vạn Lịch (1575-1620). Đến đời nhà Thanh, có bổ sung và mở rộng thêm.

d5Bu9k4E.jpg
Cây bách có hình đầu rồng

Chúng tôi bước qua cổng chính để vào bên trong thì quang cảnh gây ấn tượng nhất là cả một khu rừng toàn cây tùng bách bao bọc những gian điện thờ, tạo nên cảm giác mát rượi thật dễ chịu. Trong rừng, du khách thường được đưa đến chiêm ngưỡng một cây bách nghìn năm tuổi, có cành uốn lượn giống như đầu rồng, được gọi là long thủ bách. Tiếp đó là con đường lát đá dài hàng trăm mét dẫn đến đại điện, hai bên đường có hàng lan can với hàng trăm tượng con kỳ lân cũng bằng đá đứng trên các cột trụ, trông thật hài hòa và đẹp mắt.

Bước vào đại điện, chúng tôi thấy một bàn lớn trên đó bày la liệt các đĩa thức ăn và đủ loại bánh trái. Đây là một điểm độc đáo mà các đền chùa khác ở Trung Quốc không có. Anh hướng dẫn viên Trung Quốc cũng không giải thích được vì sao mỗi ngày phải cúng cho Quan Công hàng trăm đĩa thức ăn như thế.

Vào sâu nữa, thì đến chính điện thờ Quan Công trong tư thế uy nghi, đội mũ và mặc trang phục của một vị đại thần, hai tay cầm chiếc hốt chắp vào giữa.

YedBZ5FQ.jpg
Điện thờ Quan Công với Châu Thương, Quan Bình

Trên tường, có những tranh vẽ Quan Công trong những tư thế khác nhau. Đặc biệt, có một bức tượng Quan Công ngồi đọc kinh Xuân Thu (một trong Ngũ Kinh) trông thật là đẹp. Có một khảm thờ có tượng Quan Công ngồi giữa, hai bên có Châu Thương và Quan Bình đứng hầu. Bước ra ngoài đại điện, có một lầu gác gọi là Cổ lâu (lầu trống).

NUTTtZjL.jpg
Lầu trống (cổ lâu)

Sau cùng, chúng tôi đi đến khu mộ của Quan Công. Đó là một gò đất nhỏ bên trên phủ toàn cây xanh, chung quanh gò có xây bức tường vòng tròn bằng gạch màu đỏ. Đầu của Quan Công nằm dưới gò đất đỏ, đến nay đã hơn 1.780 năm. Phía trước gò là cái đỉnh nhỏ hình bát giác. Trước đình là cổng đá và bệ đá, tất cả đều được xây dựng vào thời nhà Minh. Trước bệ đá, có một lư hương và một tấm đệm nhỏ, để ai đến cúng bái thì quỳ lạy tại đây, khung cảnh thật đơn giản, không uy nghi, không hoành tráng, chung quanh là cả một rừng tùng bách xào xạc trong gió nhẹ thoảng đưa. Đúng là không khí nơi yên nghỉ của một vị anh hùng.

Chúng tôi đứng đó mà cảm thấy trong lòng trầm lắng hẳn lại. Những cuộc chiến ác liệt thời Tam Quốc với biết bao nhiêu dũng tướng, hào kiệt đã ngã xuống, với hàng vạn vạn sinh linh bỏ mạng trên chiến trường. Để rồi trong số đó, có một vài nhân vật kiệt xuất vẫn sống mãi với thời gian. Lịch sử dạy cho ta những bài học thật bi tráng và cũng rất oai hùng.

Vì sao chỉ chôn có cái đầu?

gCnWu97s.jpg
Mộ chôn đầu Quan Công (bên phải)

Truyện Tam Quốc diễn nghĩa kể rằng Quan Công kéo quân sang đánh Đông Ngô, thua nhiều trận liên tiếp, cuối cùng bị bao vây ở Mạch Thành. Ngô vương Tôn Quyền sai Gia Cát Cẩn (anh của Khổng Minh Gia Cát Lượng) đến dụ hàng, nhưng bị Quan Công cự tuyệt. Nửa đêm, Quan Công dẫn vài trăm tàn quân rút khỏi thành, chạy đến hẻm núi ở Quyết Thạch, bị quân Ngô phục kích bắt được.

Tôn Quyền khuyên dụ Quan Công không được, bèn đem hai cha con Quan Công và Quan Bình ra hành quyết. Bấy giờ là vào năm 219, Quan Công thọ 58 tuổi. Về con ngựa Xích Thố, Tôn Quyền đem thưởng cho Mã Trung là viên tướng đã phục kích bắt được Quan Công. Nhưng ngựa không chịu ăn cỏ, mấy hôm rồi cũng chết.

Sau đó, Tôn Quyền mở tiệc khao quân, khen ngợi Lã Mông là viên tướng giỏi nhất của Đông Ngô, có công lớn trong việc đánh Thục, chiếm được Kinh Châu, bày kế bắt sống Quan Công. Ngay lúc đó, linh hồn của Quan Công nhập vào Lã Mông, nắm đầu Tôn Quyền xô ngã sấp xuống đất. Lã Mông nhảy lên ngồi trên vai của Tôn Quyền, tự xưng là Quan Vân Trường, đến đây để trả thù. Tôn Quyền sợ quá, cùng các tướng sĩ quỳ xuống lạy Lã Mông. Lạy vừa xong thì Lã Mông ngã quay xuống đất, hộc máu mà chết.

Linh hồn của Quan Công bay về đất Thục, nửa đêm xuất hiện gặp Lưu Bị, kêu gọi đem quân đi báo thù. Còn về phần Tôn Quyền, sau khi giết Quan Công, sợ Lưu Bị đem toàn bộ quân Thục sang đánh Đông Ngô để trả thù cho em thì nguy to. Tướng Trương Chiêu bày kế đem đầu Quan Công đến dâng cho Tào Tháo để tỏ cho Lưu Bị biết rằng việc giết Quan Công là do Tào Tháo xúi giục, chứ không phải là chủ đích của Tôn Quyền. Lúc bấy giờ, quân Thục sẽ không đánh Ngô mà kéo sang đánh Ngụy.

Tào Tháo đang ở Lạc Dương, thấy sứ giả Đông Ngô đem đầu Quan Công đến, hết sức vui mừng. Tư Mã Ý bèn vạch cho Tào Tháo thấy đây là mẹo của Đông Ngô nhằm đổ vạ cho Tào Tháo. Theo lời Tư Mã Ý, Tào Tháo cho tạc một thân người bằng gỗ trầm, ghép đầu Quan Công vào, làm lễ an táng theo nghi thức vương hầu, chôn ở gò đất phía Nam thành Lạc Dương, tất cả quan văn, tướng võ đều phải đi đưa tang cả. Tào Tháo đích thân đến quỳ lạy, truy tặng Quan Công chức Kinh vương, sau đó còn cử quan chức lo việc canh giữ mộ.

Chuyện kể trên có hư cấu về chi tiết, nhưng về cơ bản là đúng với sự thật lịch sử, mang tính chất sử thi hùng tráng. Tuy đã chết cách đây hàng nghìn năm, Quan Công vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Trung Quốc. Họ xem Quan Công là vị anh hùng chân chính không hề biết khiếp sợ, không lùi bước trước khó khăn, chiến thắng mọi đau khổ về thân xác, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Hồ Chủ Tịch đã ca ngợi phẩm chất cao quý của Quan Công như mặt trời hồng sáng mãi.

Thụ tiêu xảo họa Trương Phi tướngXích nhật trường minh Quan Vũ tâm.

Tạm dịch:

Ngọn cây khéo tạc tướng Trương Phi,Vầng hồng sáng mãi lòng Quan Vũ.


- CỔ NGUYỆT - 

Nguồn : tuoitre.vn