THỔ LÂU PHÚC KIẾN - PHÁO ĐÀI PHÒNG THỦ CỦA NGƯỜI KHÁCH GIA

Hiện nay có hơn 20.000 thổ lâu nằm rải rác ở khu vực miền núi phía Đông Nam của tỉnh Phúc Kiến. 10 trong số đó có tuổi thọ hơn 600 năm tuổi. Đây được coi là "hóa thạch sống" của kiến trúc xây dựng cổ ở Trung Quốc. Tập hợp các thổ lâu ở Phúc Kiến đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào tháng 7 năm 2008 và thông qua tên gọi chung cho kiểu kiến trúc này là Thổ lâu Phúc Kiến.

Thổ lâu Phúc Kiến là các nhà ở của người Khách Gia và các dân tộc khác được xây dựng trên địa hình núi non hiểm trở, ẩn sâu trong những thung lũng xa xôi tại vùng núi Mân Tây, tỉnh Phúc Kiến. Những thổ lâu này vừa là nhà để sống vừa là những pháo đài bất khả xâm phạm. Bằng chứng là vào năm 1934, một nhóm nông dân nổi dậy đã chiếm một thổ lâu để chống lại các cuộc tấn công của quân đội. Có 19 quả pháo bắn vào thổ lâu nhưng chỉ tạo ra một vết lõm nhỏ.

Các thổ lâu tại Mân Tây được xây dựng theo lối quần thể nhiều ngôi nhà tập hợp trên một diện tích nhất định, nhiều nhất là tại các huyện Vĩnh Định, Nam Tinh, Hòa Bình, Chiêu An... Dù trải qua thăng trầm lịch sử, những ngôi nhà tròn nhiều tầng truyền thống ấy vẫn tồn tại nguyên vẹn.

Người phương Bắc Trung Quốc đã biết đến kỹ thuật làm nhà đất nện từ thời thị tộc. Đến thời Đường (618-907), kỹ thuật này lan truyền xuống miền Nam cùng với di dân từ vùng Hoàng Hà. Song những ngôi nhà tròn đất nện tại Mân Tây được cho là biểu tượng sinh động nhất của sự kết hợp kiến trúc phương Nam cổ và kỹ thuật xây dựng nhà đất nện phương Bắc.

Kiến trúc thổ lâu còn được gọi là kiến trúc Hakka, do người Hakka (Khách Gia) xây dựng. Những ngôi nhà ở đây thường có có hình khối tròn, hình vuông, oval. Các bức tường đất được xây dựng bằng cách nén đất với hỗn hợp đá, tre, nứa... có thể dày tới gần 2m. Thổ lầu chỉ có một cửa và không có cửa sổ dưới tầng trệt, các cửa sổ ở tầng trên được làm bằng gỗ dày khoảng 5 - 6cm với lớp ngoài được gia cố bằng tấm sắt; cổng của thổ lâu thường là điểm trọng yếu nhất, và thường được gia cố bằng đá, và sắt.

Một thổ lâu thường có từ 3 - 5 tầng . Tường bên ngoài thổ lâu dày tới 1m. Bên trong thổ lâu được chia làm nhiều phòng, phòng chứa thực phẩm, ngăn chứa vũ khí, phòng khách, phòng thờ… Ngoài ra, tầng trên cùng thổ lâu còn có gác nhỏ để quan sát, thiết kế những lỗ châu mai để có thể bắn công kích từ trong ra. Thổ lâu lớn nhất trải rộng trên một diện tích 40.000m2. Ngày nay thổ lâu lớn nhất còn lại nằm trên một diện tích hơn 10.000m2. Với thổ lâu lớn này có thể chứa tới 800 người hay là nơi sinh hoạt cho 80 gia đình. Các gia đình ở trong cùng một thổ lâu thường ít có sự phân biệt về mặt địa vị xã hội hay của cải, tất cả các căn hộ trong thổ lâu được xây dựng giống nhau. Tài sản chung như giếng nước, cây trái trong thổ lâu cũng thường được coi là tài sản chung chứ không thuộc về một gia đình nhất định nào.

Mỗi thổ lâu có thể xem như một ngôi làng nhỏ hay một "vương quốc nhỏ" của một đại gia đình. Trái ngược với cấu trúc đơn giản bên ngoài, bên trong mỗi thổ lâu được xây dựng trang trí khá cầu kì, sao cho ấm áp vào mùa đông, mát vào mùa hè. Các phòng đều đủ ánh sáng, thông gió tốt và toàn bộ tòa nhà được xây dựng sao cho chống được động đất.

Tuy được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước, nhưng Thổ Lâu Phúc Kiến lại kết hợp độc đáo giữa tín ngưỡng văn hóa cổ, vừa mang tầm nhìn hiện đại. Ngoài ý nghĩa lịch sử và văn hóa độc đáo, biểu trưng cho tộc người Trung Hoa xưa, Thổ Lâu còn được mệnh danh là khu chung cư cổ nhất Trung Quốc. Trong số nhiều Thổ Lâu ở Trung Quốc, Thổ Lâu Phúc Kiến mang ý nghĩa đặc trưng và đầy đủ nhất, thể hiện rõ nét văn hóa của những tộc người Trung Hoa xưa mà nổi tiếng nhất là tộc người Khách Gia. 


- CỔ NGUYỆT - 

Nguồn ; Sưu tầm